Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo tăng

Cao su tiếp tục tăng. Giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo tăng do yen yếu đi so với USD và giá cao su tăng tại Thượng Hải. Hợp đồng giao tháng 10 tại Tokyo tăng 1,2 JPY lên 192,9 JPY (1,76 USD)/kg vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm 194,3 JPY, cao nhất gần 1,5 tháng. Cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải tăng 70 NDT lên 11.680 NDT (1.835 USD)/tấn.
đọc thêm thông tin giá cao su:

Giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tokyo tăng


Tuy nhiên, yếu tố cơ bản dự báo sẽ không hỗ trợ giá tăng kéo dài. Dự trữ cao su thô tại Nhật Bản vào 20/4 ở mức 16.600 tấn, tăng 1,5% so với trước đó.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong quý 1/2018, sản lượng cao su tự nhiên thế giới tăng 3,3% lên 3,152 triệu tấn (so với 3,051 triệu tấn quý 1 năm ngoái) do đồng loạt tăng ở Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Campuchia, trong khi nhu cầu tăng 7,6% lên 3,361 triệu tấn. Mặc dù cầu tăng nhiều hơn cung song thị trường cao su vẫn ảm đạm do nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Dự báo tổng cung cao su thế giới năm 2018 sẽ đạt 14,300 triệu tấn, tăng 7,2% so với 13,341 triệu tấn năm 2017.

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch vừa qua do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung từ Iran sau khi Mỹ tái trừng phạt quốc gia sản xuất dầu lớn này trong bối cảnh sản lượng của Venezuela và dự trữ dầu thô của Mỹ có thể sẽ giảm tiếp.

Dầu Brent tăng 26 US cent tương đương 0,3% lên 77,47 USD/thùng vào lúc kết thúc giao dịch, trong phiên có lúc đạt 78 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 22 US cent lên 71,36 USD/thùng. Hiện OPEC vẫn chưa vội đưa ra quyết định về việc tăng sản lượng để bù đắp cho phần giảm sút từ Iran. EIA ngày 8/5 đã nâng dự báo về sản lượng dầu Mỹ năm 2019 lên 12 triệu thùng/ngày, nếu dự báo này đúng thì khi đó Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt cả Nga và Saudi Arabia. Từ tháng 8/2017 tới nay, EIA liên tục điều chỉnh tăng mức dự báo hàng tháng về sản lượng dầu Mỹ.

Giá dầu đang hướng đến quý thứ 4 liên tiếp tăng – dài nhất trong vòng 10 năm, chủ yếu bởi lo ngại dòng chảy dầu từ Iran – nước cung cấp 4% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu 450.000 thùng/ngày sang châu Âu và khoảng 1,8 triệu thùng/ngày sang châu Á - sẽ sụt giảm.

Kim loại quý tăng do USD giảm

Vàng tăng trong phiên vừa qua do USD giảm trở lại từ mức cao nhất 4,5 tháng sau khi chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 4 chỉ tăng 0,2% (thấp hơn mức dự đoán). Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.320,53 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ giao tháng 6 tăng 9,30 USD (0,7%) lên 1.322,30 USD/ounce. Các kim loại quý khác cũng đồng loạt tăng, giá bạc tăng 1,4% lên 16,72 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 16,74 USD (cao nhất 2 tuần); bạch kim tăng 1,7% lên 925,40 USD, đầu phiên có lúc cũng đạt mức cao nhất 2 tuần (926,20 USD); và palađi tăng 2,6% lên 1.000,70 USD/ounce vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc giá đạt 1.002,10 USD (cao nhất 2,5 tuần).

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục 3 tuần do giá dầu tăng đẩy cổ phiếu nhóm năng lượng tăng theo đã hạn chế đà đi lên của giá kim loại quý.

Đồng và nhôm trái chiều

Giá nhôm giảm sau 3 phiên tăng trước đó do áp lực bán ra, với hợp đồng giao sau 3 tháng giảm 1,4% xuống 2.353 USD/tấn. Trái lại giá đồng tăng vì dự trữ giảm và hoạt động mua tích cực từ các nhà đầu tư, kết quả khép phiên hợp đồng giao sau 3 tháng tăng 1,6% lên 6.917 USD/tấn.

Bông thấp nhất 2 tuần

Giá bông giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo sản lượng bông Mỹ vụ 2018/19 sẽ đạt 19,5 triệu kiện (1 kiện = 480 lb), và dự trữ cuối vụ sẽ ở mức 5,2 triệu kiện. Hợp đồng bông giao tháng 7 trên sàn New York kết thúc phiên đã giảm 1,3 US cent (1,51%) xuống 84,56 US cent/lb, trong phiên có lúc xuống 84,05 US cent, thấp nhất kể từ 25/4.

Dự trữ bông tại Trung Quốc trong niên vụ 2018/19 dự báo sẽ giảm 20% do diện tích trồng bông giảm vì chi phí lao động cao trong khi năng suất thấp. Sản lượng bông Trung Quốc dự báo sẽ giảm 6% xuống 5,55 triệu tấn, trong khi nhập khẩu sẽ tăng nhẹ lên 1,2 triệu tấn từ mức 1,1 triệu tấn của niên vụ trước.

Gạo Việt Nam cao nhất 4 năm

Tuần qua giá gạo Việt Nam tăng mạnh, gạo Thái Lan tăng nhẹ trong khi gạo Ấn Độ giảm. Tại Việt Nam, loại 5% tấm hiện đạt 455 – 460 USD/tấn (cao nhất kể từ tháng 8/2014), so với 445-450 USD/tấn cách đây một tuần, trong bối cảnh nhu cầu mạnh mà nguồn cung không dồi dào.


Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 4 tháng đầu năm tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,2 triệu tấn (trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 40,3%). Gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng nhẹ lên 435- 445 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 430 – 445 USD/tấn cách đây một tuần, do tuần trước ký được hợp đồng cung cấp 120.000 tấn cho Philippines. Tuy nhiên, các thương gia nước này dự báo nhu cầu từ các doanh nghiệp sẽ chậm lại vì sắp tới vụ thu hoạch (cuối tháng 5 – đầu tháng 6), nguồn cung khi đó sẽ tăng lên. Riêng tại Ấn Độ, loại 5% tấm giá giảm 5 USD xuống 407- 411 USD/tấn do đồng rupee tiếp tục giảm và nhu cầu từ các khách hàng Bangladesh và châu Phi yếu đi.

Lúa mì và ngô giảm, đậu tương tăng

Giá lúa mì giảm 4 US cent xuống 5,06-1/2 USD/bushel (trong phiên có lúc thấp nhất kể từ 27/4 là 5,00-1/4 USD) sau khi USD công bố dự báo sản lượng lúa mì Mỹ năm 2018/19 đạt 1,821 tỷ bushel, cao hơn dự đoán của giới kinh doanh.

Ngô cũng giảm theo giá lúa mì, với hợp đồng giao tháng 7 giảm ¾ US cent xuống 4,02 USD/bushel, nhưng đà giảm được hạn chế bởi USDA dự báo dự trữ ngô thế giới cuối vụ 2018/19 sẽ giảm xuống 159,15 triệu tấn, từ mức 194,85 triệu tấn vụ trước đó và thấp hơn dự đoán của giới kinh doanh. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự báo sản lượng ngô nước này niên vụ 2018/19 sẽ giảm 2,9% so với năm trước do Chính phủ nước này tăng trợ cấp cho cây đậu tương – loại cây cạnh tranh với cây ngô.

Riêng đậu tương tăng giá trong phiên vừa qua, với hợp đồng giao tháng 7 tăng 5-1/2 US cent lên 10,21-1/4 USD/ bushel sau khi USDA dự báo dự trữ đậu tương cuối vụ 2018/19 sẽ chỉ đạt 415 triệu bushel (thấp hơn mức dự đoán).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét