Nhiều doanh nghiệp Venezuela rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan sau thông báo tăng mức lương tối thiểu gần 35 lần của Tổng thống Nicolas Maduro
Đồng bolivar mới được điều chỉnh bỏ 5 số 0 bắt đầu được lưu hành từ ngày 20-8 tại Venezuela.
Ông Maduro: "Hãy tin tôi"!
Bên cạnh việc phát hành tiền giấy mới từ đầu tuần này, Tổng thống Maduro còn công bố một loạt biện pháp khác được kỳ vọng sẽ vực dậy Venezuela khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, trong đó lương tối thiểu tăng lên gần 35 lần - tức mức lương tối thiểu mới sẽ tương đương 1.800 bolivar sau điều chỉnh bỏ 5 số 0 nêu trên.
Mức lương tối thiểu này sẽ bằng 1/2 giá trị đồng petro - đồng tiền điện tử của Venezuela, được định giá theo giá dầu với mức 1 petro tương đương 60 USD. Đây là lần điều chỉnh lương tối thiểu thứ 5 trong năm qua của Venezuela trong bối cảnh đồng nội tệ bolivar liên tục rớt giá. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tỉ lệ lạm phát của Venezuela sẽ chạm mốc 1 triệu % trong năm 2018.
Ông Maduro cũng công bố tỉ giá hối đoái duy nhất và neo tỉ giá này vào đồng tiền ảo petro nhưng không cho biết mức khởi điểm. Trong bài phát biểu trên truyền hình cuối tuần qua, ông Maduro nhấn mạnh: "Tôi muốn khôi phục kinh tế đất nước và có cách. Hãy tin tôi!". Ông Maduro cho rằng đất nước cần thể hiện "kỷ luật tài chính" và dừng tình trạng in tiền quá mức diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bất ổn mới đã bùng phát tại Venezuela sau khi Tổng thống Maduro công bố kế hoạch cải cách kinh tế sâu rộng. Giới phân tích cảnh báo lần thay đổi lớn này có thể chỉ khiến cho vấn đề tồi tệ hơn. Ông Asdrubal Oliveros, Giám đốc Công ty Tư vấn Ecoanalitica (Venezuela), nhận định sẽ có nhiều rối loạn trong những ngày tới đối với người tiêu dùng và công ty tư nhân.
Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ rút tiền trước trụ ATM ở Caracas Ảnh: REUTERS " style="margin-right: 0px; margin-left: 0px; padding-right: 0px; padding-left: 0px; box-sizing: border-box; border: none; color: blue; font-family: RobotoCondensed-Bold;"> |
Người dân Venezuela xếp hàng dài chờ rút tiền trước trụ ATM ở Caracas Ảnh: REUTERS |
Hỗn loạn chồng chất
Người dân Venezuela từ hôm 17-8 đã đổ xô đi mua sắm trước khi đồng bolivar bước vào thời kỳ mới. Theo hãng tin Reuters, người dân Venezuela xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu với hy vọng sẽ mua được đồ dự trữ trước khi thông báo đổi tiền có hiệu lực. "Tôi đến để mua rau nhưng phải ra về vì không thể xếp hàng chờ lâu. Mọi người đều đang phát hoảng" - cô Alicia Ramirez (38 tuổi, ở TP Maracaibo) bức xúc.
Để mua được 1 kg phô mai có giá tương đương 1,14 USD, người dân Venezuela phải trả 7.500 tờ mệnh giá 1.000 bolivar - tờ tiền mới được đưa vào lưu hành năm ngoái. Điểm khác biệt chính giữa đợt đổi tiền lần này với quyết định tiền tệ của Tổng thống Maduro hồi năm 2016 là hầu hết các đồng tiền hiện tại sẽ song song lưu hành với các đồng tiền mới trong một khoảng thời gian không xác định.
Sau khi chính quyền ông Maduro thông báo tăng mạnh mức lương tối thiểu, nhiều chủ cửa hàng phải vật lộn với quyết định đóng cửa hoặc tăng giá hàng hóa trước rủi ro phá sản hồi cuối tuần qua. Các nhà kinh tế cảnh báo một số công ty không thể chịu nổi mức lương tối thiểu tăng hàng chục lần. Điều đó có khả năng sẽ làm tăng tỉ lệ thất nghiệp và càng thúc đẩy làn sóng di cư đổ sang các nước láng giềng.
Nhằm xoa dịu dư luận, ông Maduro cam kết chính phủ sẽ giúp chi trả 3 tháng lương sau khi áp dụng mức tăng tối thiểu mới cho các công ty vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Venezuela không nói chi tiết và vẫn chưa rõ làm thế nào chính phủ cạn tiền mặt có đủ khả năng xoay xở hoặc liệu có thể trả lương đúng hạn hay không.
Bộ Thông tin Venezuela cũng không tiết lộ về kế hoạch nói trên. Trong khi đó, phe đối lập Venezuela kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc vào ngày 21-8, bất chấp những nỗ lực tuần hành trước đó của người dân do liên minh này tổ chức không mang lại hiệu quả đáng kể.
Liên đoàn Các phòng thương mại và sản xuất của Venezuela (Fedecamaras) cho biết chưa có bất kỳ ước tính nào về tác động của biện pháp cải cách kinh tế, trong khi các nhà kinh tế học địa phương dự đoán sẽ có tổn thất to lớn. "Mức lương tối thiểu 180 triệu bolivar (tức 1.800 bolivar sau điều chỉnh đổi tiền) trong tình hình hiện nay ẩn chứa nguy cơ đóng cửa hàng ngàn công ty và khiến nhiều người thất nghiệp" - nhà kinh tế Luis Oliveros của Venezuela cảnh báo.
Láng giềng cấm cửa di dân Venezuela Trong bối cảnh dòng người di cư Venezuela gây căng thẳng khắp khu vực, Ecuador đã quyết định đóng cửa biên giới đối với người di cư Venezuela không có hộ chiếu - có hiệu lực hôm 18-8, khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nước Colombia láng giềng. Colombia phản đối động thái trên, đồng thời nói rằng những người thiếu giấy tờ sẽ bị kẹt lại bên phía biên giới nước này. Sáng 18-8, khoảng 300 người Venezuela xếp hàng tại đường biên giới Rumichaca bên ngoài TP Ipiales - Colombia. Nhiều người thừa nhận họ không có hộ chiếu để được phép vào Ecuador. Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thông báo siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới khiến hàng ngàn người Venezuela vội vã đổ xô đến khu vực giáp với Colombia. Theo ước tính chính thức, hơn 1 triệu người di cư Venezuela đã vào Colombia trong vòng 15 tháng qua và hơn 4.000 người đã đến biên giới Ecuador mỗi ngày. Chạy trốn cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trong nước, hàng ngàn người Venezuela đã tràn vào Ecuador qua ngả Colombia chỉ với tấm thẻ căn cước - đài BBC đưa tin. Hầu hết kéo xuống miền Nam để nhập với các thành viên gia đình ở Peru và Chile. Trước đó, ngày 17-8, chính phủ Peru đã thông báo những biện pháp về nhập cư tương tự Ecuador. Theo đó, từ ngày 25-8, người Venezuela phải xuất trình hộ chiếu. Nước láng giềng Brazil cũng bày tỏ quan ngại và đã tạm thời đóng cửa biên giới giáp với Venezuela hồi đầu tháng 8. Bạo lực đã bùng phát ở bang biên giới Roraima - Brazil, nơi hàng ngàn người Venezuela phải sống trong những điều kiện ăn ở bấp bênh. Cư dân thị trấn biên giới Pacaraima - Brazil hôm 18-8 nổi giận xông vào tấn công trại tị nạn của người Venezuela và đuổi họ quay trở lại bên kia biên giới, sau khi một chủ nhà hàng địa phương bị 4 người Venezuela bạo hành, cướp số tiền tương đương 5.800 USD. Chính phủ Venezuela bày tỏ nỗi quan ngại về thông tin công dân của họ bị tấn công cũng như nhiều người Venezuela bị đuổi khỏi nơi cư trú, đồng thời yêu cầu phía Brazil bảo đảm an toàn cho họ. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Venezuela sau đó nhận định tính bài ngoại đã châm ngòi bạo lực. nguồn: |