Theo đó, sau quá trình điều tra bổ sung thì tại phiên tòa thứ hai này, Hà Văn Thắm (SN 1972) - cựu Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Tổng Giám đốc (TGĐ) Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) sẽ tiếp tục là tâm điểm của dư luận xã hội trong vụ án tham nhũng. Dự kiến, phiên xử sẽ diễn ra trong khoảng 20 ngày liên tục với nhiều hành vi phạm tội phức tạp, khác nhau. Báo ANTĐ xin đề cập tới một số điểm mới cơ bản của vụ án so với phiên xử bị trả hồ sơ điều tra bổ sung vào hồi tháng 3-2017.
Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank
Thêm tội "Tham ô" và đổi tội danh
Cụ thể, với bản cáo trạng truy tố ở phiên tòa này, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cùng bị truy tố tội "Tham ô tài sản", quy định tại Điều 278-BLHS. Từ năm 2009 đến tháng 11-2010, Nguyễn Xuân Sơn được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) giới thiệu làm TGĐ Ngân hàng TMCP Đại Dương. Từ cuối năm 2010, dù không còn giữ cương vị gì ở Oceanbank nhưng Sơn vẫn được cử làm người đại diện phần vốn góp (20%) của PVN tại Oceabank.
Thời gian giữ chức TGĐ ngân hàng này, Sơn và Thắm đã thỏa thuận về việc chi lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi trong quá trình huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí và việc này được thực hiện liên tục đến tháng 6-2014. Khi trở lại PVN giữ chức Phó TGĐ, Sơn tiếp tục lợi dụng cơ chế, chính sách chi lãi ngoài để trục lợi cá nhân. Từ tháng 1-2011 đến giữa năm 2014, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận tổng cộng hơn 246,6 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài hợp đồng của Oceanbank. Trong số tiền đặc biệt lớn này, tài liệu truy tố xác định PVN bị thiệt hại 49,3 tỷ đồng. Đó chính là số tiền tương ứng với tỷ lệ vốn góp của PVN tại Oceanbank. Hành vi này của Sơn và Thắm được xác định là tham ô tài sản.
Điểm mới tiếp theo là bộ đôi quyền lực nhất tại Oceanbank vốn bị truy tố và đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo Điều 281 (ở phiên tòa trước) thì nay được thay đổi sang tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 280-BLHS. Theo quy định tại BLHS, trong khi mức án cao nhất của tội danh theo Điều 281 chỉ là 15 năm tù thì hình phạt kịch khung của tội phạm quy định tại Điều 280 là tù chung thân.
Chứng minh hành vi phạm tội nêu trên, quá trình điều tra bổ sung xác định, trở lại làm lãnh đạo PVN vào tháng 11-2010 nhưng Nguyễn Xuân Sơn vẫn biết rất rõ sự phụ thuộc nguồn tài chính của Oceanbank vào PVN. Cũng chính vì thế, Sơn tiếp tục lợi dụng cơ chế, chính sách chi lãi ngoài cho nhóm khách hàng gửi tiền, thuộc PVN để trục lợi cá nhân. Về phần mình, Hà Văn Thắm cũng hoàn toàn nhận thức được điều đó nên buộc phải chấp nhận sự chung chi theo yêu cầu của đồng phạm.
Cụ thể, từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2014, Thắm đã chỉ đạo nhân viên hệ thống ngân hàng chi cho Sơn tổng cộng hơn 246,6 tỷ đồng, trong đó có hơn 197,2 tỷ đồng là tiền mà Oceanbank chi lãi ngoài cho hàng trăm khách hàng, thuộc PVN và là tiền mà Ngân hàng TMCP Đại Dương thu phí trái quy định đối với các khách hàng vay vốn. Hành vi này của Sơn và Thắm cùng một số bị cáo liên quan bị quy kết là đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Những "nhân vật" mới xuất hiện trong vụ án
Tại phiên tòa sơ thẩm lần trước, ngoài Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn thì 45 bị cáo liên quan, trong đó hầu hết đều từng là lãnh đạo, cán bộ hệ thống Ngân hàng TMCP Đại Dương lần lượt bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng", Điều 179; "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Điều 165 và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tuy nhiên, với kết quả điều tra bổ sung thì ở phiên tòa sơ thẩm thứ hai này đã xuất hiện thêm những "nhân vật" mới, nâng tổng số bị cáo bị truy tố lên con số 51.
Theo đó, những "nhân vật" mới gồm có Phạm Công Danh (SN 1965) - Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Hứa Thị Phấn (SN 1947) - đại diện nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín; Trần Văn Bình (SN 1966) - Giám đốc Công ty Trung Dung (do Danh lập ra) và Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Người đại diện theo pháp luật của Công ty BSC, doanh nghiệp do Thắm lập ra.
Lý do 4 bị cáo này bị đưa ra xét xử với Hà Văn Thắm cùng đồng phạm là đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại yếu kém. Do muốn thâu tóm Ngân hàng Đại Tín vào Oceanbank nên Thắm gặp Hứa Thị Phấn đặt vấn đề chuyển giao chủ sở hữu. Vậy nhưng sau đó, Thắm lại "đá" phi vụ mua bán ngân hàng này cho Phạm Công Danh. Và để có tiền mua Ngân hàng Đại Tín, bộ ba Thắm, Danh và Phấn đã bàn bạc và dùng một số tài sản là nhà đất, dự án (chưa đủ điều kiện) làm tài sản bảo đảm cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank. Sau đó, phần lớn số tiền này rơi vào nợ xấu, rất khó có khả năng thu hồi. Cũng chính vì thế Danh, Phấn và Bình bị cáo buộc đồng phạm với Thắm về hành vi vi phạm quy định cho vay.
Riêng Hoàng Thị Hồng Tứ, cáo trạng truy tố xác định, ngày mới vào Oceanbank làm việc, Tứ được Thắm sắp xếp công việc hành chính. Đến tháng 12-2008, Tứ trở thành người đứng đầu Công ty BSC do Thắm lập ra chỉ với mục đích thu phí bất hợp pháp đối với các khách hàng vay tiền tại Oceanbank. Tính đến tháng 5-2014, Tứ đã ký 97 hợp đồng dịch vụ thu phí đối với các khách hàng vay tiền và mua ngoại tệ với tổng số tiền hơn 13,4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, về sau bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hết. Hành vi của Tứ được xác định là góp phần gây ra thiệt hại lớn đối với khách hàng cũng như ngân hàng, nơi bị cáo từng làm việc. Do vậy, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC bị cáo buộc là đồng phạm với Thắm và Sơn về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Bị đưa ra tòa xét xử, Hà Văn Thăm cùng đồng phạm bị VKSND Tối cao xác định là đã gây thiệt hại xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, trong đó có 20% vốn Nhà nước. Các hành vi phạm tội của 51 bị cáo xoay quanh hai khoản tiền đặc biệt lớn là cho vay trái phép 500 tỷ đồng và chi trả lãi suất trái quy định hơn 1.576 tỷ đồng. Trước khi phiên tòa diễn ra, TAND TP Hà Nội nhận được đơn xin xét xử vắng mặt của 3 bị cáo với lý do mắc bệnh hiểm nghèo và vừa sinh con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét