Cơ hội M&A trong thị trường bảo hiểm tại Việt Nam không còn nhiều
Theo nhận định của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn cầu do tỷ lệ xâm nhập thấp, tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây và tiềm năng tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo tăng 6 - 6,2%/năm trong ít nhất 5 năm tới (theo OECD).
Thực tế, hoạt động M&A trong lĩnh vực bảo hiểm Việt Nam đã bùng nổ trong những năm gần đây. Trong đó, quan hệ đối tác là cách các công ty bảo hiểm nước ngoài đang áp dụng để bước chân vào thị trường Việt Nam.
Và thời gian đã chứng minh rằng trong một ngành non trẻ và cạnh tranh quyết liệt, mô hình hợp tác với một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước hiểu biết về thị trường, pháp luật và văn hóa kinh doanh sẽ là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Bên cạnh đó VDSC cho rằng, do cạnh tranh gay gắt sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nên quan hệ hợp tác sẽ là hình thức M&A chính trong thị trường bảo hiểm Việt Nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty bảo hiểm lớn và hoạt động hiệu quả trong nước đã hoàn thành việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước nước ngoài. Điển hình như Sumitomo của BVH, HDI Global SE (Talanx sở hữu 100%) của PVI, Samsung Fire and Marine Insurance của PGI, DongBu của PTI, Fairfax của BIC, Metlife của BIDV hoặc AXA của BMI. Vì vậy, cơ hội cho những thương vụ mới có thể không nhiều.
Cơ hội vẫn còn ở mảng phi nhân thọ
Đối với bảo hiểm nhân thọ, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm là công ty nước ngoài, trừ Bảo Việt Life. Nhiều công ty là những công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới với năng lực vốn mạnh và chuyên môn lâu đời. Có đến 18 công ty bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh trong một thị trường quy mô rất nhỏ. Do đó, đối với các nhà đầu tư mới, đây sẽ là một thách thức để tham gia vào thị trường.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, kể từ năm 2011, tỷ trọng trong tổng phí bảo hiểm của bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe đã tăng từ 46% năm 2011 lên 61% vào cuối tháng 6 năm 2018. Điều này cho thấy trọng tâm của ngành đã chuyển từ bán buôn (cung cấp bảo hiểm cho các công ty) sang bán lẻ (cung cấp bảo hiểm cho cá nhân).
Mặt khác, các sản phẩm chất lượng cho khách hàng cá nhân vẫn còn thiếu. Vì vậy, tiềm năng của phân khúc này cho các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn còn, do họ có chuyên môn sâu trong phân khúc bán lẻ. Bên cạnh đó, các công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số sẽ là một yếu tố chính được phát triển nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và kinh nghiệm quản lý.