Từ đầu năm đến nay, Nhân dân tệ đã giảm giá 4,5% so với USD. |
Sự hồi giá của Nhân dân tệ diễn ra sau chuỗi 10 tuần giảm liên tiếp khiến thị trường tài chính toàn cầu lo ngại và Washington nghi ngờ Bắc Kinh thao túng tỷ giá.
Theo tin từ Reuters, động thái của PBoC được xem như tín hiệu mới nhất cho thấy Chính phủ Trung Quốc không muốn Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn, vì nếu đồng tiền này tiếp tục mất giá, các dòng vốn có thể tháo chạy khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã có nhiều dấu hiệu giảm tốc.
Việc đưa "yếu tố chống chu kỳ" trở lại việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ được Trung Quốc công bố vào ngày thứ Sáu, sau khi vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ diễn ra tại Washington không mang lại kết quả. Mỹ dự kiến sẽ quyết định áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vào tháng tới, và một động thái như vậy của Washington có thể khiến sức ép mất giá đối với Nhân dân tệ càng lớn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá để giảm bớt tác động của hàng rào thuế quan Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
PBoC nói rằng việc điều chỉnh cách tính toán tỷ giá tham chiếu là nhằm giữ cho tỷ giá ổn định hơn trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và căng thẳng thương mại leo thang, nhưng không nói rõ sự thay đổi đó là như thế nào.
Gần đây, do hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ-Trung sẽ có sự nhượng bộ trong đàm phán thương mại, nên hầu hết các nhà quan sát đều dự báo đồng Nhân dân tệ sớm muốn gì cũng sẽ thử phá ngưỡng tâm lý quan trọng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Tuy nhiên, sau động thái của PBoC, một số chuyên gia tin rằng Nhân dân tệ sẽ giữ được mốc này, ít nhất trong 2-3 tháng tới.
"Động thái của PBoC củng cố quan điểm của chúng tôi rằng phá giá Nhân dân tệ không phải là một vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay", một báo cáo của ngân hàng Mizuho có đoạn viết. "Điều đó cũng phù hợp với nhận định của chúng tôi rằng Nhân dân tệ sẽ không phá ngưỡng 7 Nhân dân tệ tương đương 1 Nhân dân tệ và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ không giảm dưới mốc 3 nghìn tỷ USD".
Trước khi thị trường mở cửa ngày thứ Hai, PBoC nâng tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ mạnh hơn dự báo, lên mức 6,8508 Nhân dân tệ/USD, tăng 0,3% so với mức hôm thứ Sáu.
Mở cửa tại thị trường Trung Quốc đại lục, tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay tăng lên 6,808 Nhân dân tệ/USD, mức cao nhất kể từ ngày 8/8. Tại thị trường Hồng Kông, tỷ giá Nhân dân tệ tăng lên 6,7818 Nhân dân tệ/USD, cao nhất kể từ ngày 31/7.
Động thái chính sách của PBoC đã khiến một số nhà đầu tư bán ra USD để mua Nhân dân tệ từ tối ngày thứ Sáu, nhưng Nhân dân tệ khó tăng giá mạnh hơn vào sáng ngày thứ Hai - khi nhiều nhà đầu tư cho rằng Nhân dân tệ đang vấp phải ngưỡng kháng cự 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
BPoC lần đầu đưa "yếu tố chống chu kỳ" vào tính toán tỷ giá tham chiếu vào tháng 5/2017, khi đồng Nhân dân tệ tăng giá so với USD. Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng yếu tố này được sử dụng theo cả hai chiều trong nhiều dịp: để kiềm chế đà tăng và cả hạn chế sự giảm của tỷ giá khi cần. Giới giao dịch tin rằng lần gần đây nhất yếu tố này được dùng là vào đầu năm 2018, khi Nhân dân tệ tăng giá.
Ngoài chiến tranh thương mại, Nhân dân tệ còn chịu áp lực giảm từ sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần thời gian từ nay đến cuối năm, trong khi Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển theo hướng nới lỏng chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Động thái của PBoC giúp Nhân dân tệ tăng giá vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước, nhờ đó tránh được tuần giảm giá thứ 11 liên tiếp. Tuy nhiên, chuỗi 10 tuần giảm trước đó là thời kỳ giảm giá liên tục dài nhất của Nhân dân tệ kể từ khi Bắc Kinh tiến hành hợp nhất tỷ giá năm 1994.
Từ đầu năm đến nay, Nhân dân tệ đã giảm giá 4,5% so với USD.